Thứ Tư, 25 tháng 5, 2011

Cây Sakê (Xakê)




[caption id="" align="alignleft" width="201" caption="Ảnh: minh họa"][/caption]


Sa kê hay xa kê hoặc cây bánh mì (danh pháp khoa học: Artocarpus altilis) là một loài cây gỗ có hoa trong họ Dâu tằm (Moraceae), bản địa của bán đảo Mã Lai và các đảo miền tây Thái Bình Dương, nhưng hiện nay đã được trồng rộng khắp trong khu vực nhiệt đới.[1]


Sa kê là cây gỗ có thể cao tới 20 m (66 ft). Các lá to và dày bản xẻ thùy sâu hình lông chim. Tất cả các phần của cây đều có chứa nhựa mủ, một loại nhựa cây có màu trắng sữa, được người ta dùng vào việc xảm thuyền.[1]


Sa kê là loài cây đơn tính cùng gốc, với các hoa đực và hoa cái mọc trên cùng một cây. Các hoa đực ra đầu tiên và sau đó một khoảng thời gian ngắn là các hoa cái, mọc thành cụm hoa dạng đầu, chỉ có khả năng được thụ phấn sau đó 3 ngày. Động vật thụ phấn cho nó là các loài dơi ăn quả thuộc Cựu thế giới trong họ Pteropodidae). Quả giả, phức hợp phát triển lên từ bao hoa phình ra và bắt nguồn từ 1.500-2.000 hoa. Chúng được nhìn thấy trên lớp vỏ quả như là các đĩa giống hình lục giác.[1]


Sa kê là một trong những loài cây lương thực có sản lượng cao, với một cây có thể ra tới trên 200 quả mỗi mùa. Tại miền nam Thái Bình Dương, cây sinh ra 50-150 quả mỗi năm. Tại miền nam Ấn Độ, sản lượng thông thường là 150-200 quả mỗi năm. SẢn lượng dao động trong các khu vực khô và ẩm. Tại Tây Ấn, ước tính dè dặt nhất là 25 quả một cây mỗi năm. Các nghiên cứu tại Barbados chỉ ra năng suất tiềm năng 16-32 tấn/ha (6,7-13,4 tấn/mẫu Anh). Quả hình trứng, kích cỡ to bằng quả bưởi chùm có bề mặt thô ráp và mỗi quả trên thực chất là tổ hợp của nhiều quả bế, mỗi quả bế được bao quanh bằng bao hoa dày cùi thịt và phát triển trên đế hoa dày cùi thịt. Một vài giống cây trồng đã qua chọn lọc có quả không hạt.[1]


Sa kê là cây lương thực ổn định tại nhiều khu vực nhiệt đới. Nó được phổ biến ra xa khỏi quê hương bản địa của mình nhờ các thủy thủ Polynesia, những người đã chuyên chở các gốc ghép, cành giâm đi xa trên đại dương. Sa kê chứa nhiều tinh bột, và trước khi ăn nó có thể được quay, nướng, chiên, luộc. Khi được chế biến, nó có mùi vị giống như khoai tây hay tương tự như bánh mì mới nướng, vì thế mà có tên gọi cây bánh mì.[1]




Do xa kê thường sinh ra một sản lượng lớn trong một khoảng thời gian nhất định trong năm nên việc bảo quản là một vấn đề. Một kỹ thuật bảo quản truyền thống là chôn các quả đã bóc vỏ và rửa sạch trong hố lót bằng lá để lên men trong vài tuần tạo ra một loại bột nhão dính và chua. Đượu lưu trữ như thế, sản phẩm có thể giữ troing một năm hay hơn thế, và một vài hố được thông báo là sinh ra sản phẩm ăn được sau trên 20 năm. Các tên gọi cho sản phẩm quả sa kê được lên men như vậy bao gồm mahr, ma, masi, furo, bwiru v.v.[1]



Bread fruit in early stages.jpg


Quả sa kê có thể ăn sau khi nấu chín hoặc có thể chế biến tiếp thành các loại thức ăn khác. Một sản phẩm thông thường là hỗn hợp của khối nghiền nhừ thịt quả sa kê nấu chín hay lên men trộn với sữa dừa và nướng trong lá chuối. Quả còn nguyên có thể nướng, sau đó lấy lõi ra và nhồi bằng các thức ăn khác như sữa dừa, đường, bơ, thịt nấu chín hay các loại quả khác. Quả nhồi này có thể nấu tiếp để cho hương vị của các chất nhồi thấm vào cùi thịt của quả.[1]


Quả sa kê chứa khoảng 25% cacbohydrat và 70% nước. Nó chứa trung bình khoảng 20 mg/100g là vitamin C và một lượng nhỏ khoáng chất (kali và kẽm) cùng thiamin (100 μg)[1]



Công dụng


Sa kê được sử dụng rộng rãi và đa dạng đối với những người dân trên các đảo trong Thái Bình Dương. Gỗ của nó có khả năng chống mối và các loài hà (họ Teredinidae) nên hay được sử dụng để làm các loại canoe. Lõi gỗ của nó cũng được dùng làm giấy, gọi là breadfruit tapa. Nó cũng được sử dụng trong y học dân gian trên các đảo để chữa bệnh, từ đau mắt tới đau thần kinh hông.[1]


Rễ sa kê dùng trị bệnh hen và các chứng rối loạn dạ dày, đau răng, bệnh về da; vỏ cây sa kê dùng trị ghẻ; nhựa cây được dùng pha loãng trị tiêu chảy và lỵ; còn lá sa kê tươi thì được dùng với lá đu đủ tươi, giã với vôi để đắp trị nhọt. Trong nước, dân gian dùng lá sa kê chữa phù thủng, viêm gan vàng da bằng cách nấu lá tươi để uống. Ngoài ra, lá sa kê phối hợp với một số vị thuốc khác sẽ trị được một số bệnh như: trị bệnh gút (thống phong) và sỏi thận thì dùng lá sa kê tươi (2 lá), 100 gr dưa leo và 50 gr cỏ xước khô, để nấu nước uống trong ngày; trị tiểu đường týp 2 thì lấy 2 lá sa kê tươi (100 gr), 100 gr trái đậu bắp tươi và 50 gr lá ổi non - tất cả để chung, nấu nước uống trong ngày; chữa viêm gan vàng da, thì dùng 100 gr lá sa kê tươi, 50 gr diệp hạ châu (chó đẻ) tươi, 50 gr củ móp gai tươi và 20 - 50 gr cỏ mực khô - tất cả để chung, nấu nước uống trong ngày; trị chứng huyết áp cao dao động, thì dùng 2 lá sa kê vàng vừa mới rụng, 50 gr rau ngót tươi và 20 gr lá chè xanh tươi - để chung nấu nước uống trong ngày.[2]


Ở nước ta, nhất là khu vực miền Tây Nam bộ, sa kê được sử dụng phổ biến dưới hai dạng thức ăn.


1. Đơn giản nhất là người ta chiên sa kê để có món ăn chơi trong những trưa, những chiều nhàn nhã. Những miếng sa kê xắt mỏng, áo lớp bột có trộn lòng đỏ trứng, cho vào chảo chiên vàng ruộm, cắn một miếng, cảm nhận vị ngọt, vị bùi của sa kê cùng vị béo của dầu mỡ hòa quyện vào nhau. Nhai từng miếng giòn giòn, sừn sựt còn tạo cho ta cảm giác thích thú về một món ăn “rặt” miệt vườn.[3]

2. Nhưng rặt miệt vườn hơn và nổi tiếng hơn cả là món "kiểm", thường được người dân lưu vực sông Mê Công ưa dùng trong những ngày giỗ chạp, đình đám. Kiểm được hầm từ khá nhiều loại củ, quả, tàu hũ ky, bột bán cùng với đường và nước dừa dão. Khi chín múc ra tô, người ta mới chế nước cốt dừa, rắc một ít đậu phộng rang đâm sơ lên mặt.[3]


Ngoài 2 món ăn trên, sa kê còn được một vài nơi làm thành một hai món khác khiến người ta mê mẩn khó quên. Đầu tiên là sườn hầm sa kê. Lựa sườn nạc có lân ít mỡ cho vào nồi hầm kỹ, vớt bọt cho trong. Sa kê xắt từng miếng vuông, rửa sạch, để ráo. Khi gần ăn, cho sa kê vào nồi, đun lửa nhỏ để sa kê mềm nhưng không nát. Nêm muối, hành ngò là có món sườn hầm sa kê béo ngậy với hương vị đặc biệt, ăn không biết chán. [3]


Để có món sa kê um, ta cho vào chảo khá nhiều dầu. Thịt ba rọi xắt mỏng ướp muối, tiêu, hành, ngò cho thơm trộn lẫn với sa kê cho vào chảo đậy kín bắc lên bếp, thỉnh thoảng đảo đều sẽ cho ta một thức ăn đậm đà khẩu vị, khó quên.[3]






Nguồn:
[1] vi.wikipedia.org
[2] http://vietbao.vn
[3] http://muivi.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét