Thứ Bảy, 16 tháng 4, 2011

Sự tương quan giữa niềm tin, tốc độ và chi phí



Bạn có đồng ý rằng trong cuộc sống niềm tin là quan trọng, nhưng liệu niềm tin có thể đo lường được không?








Dưới đây là một công thức đơn giản cho phép chúng ta nhìn nhận niềm tin từ một phạm trù vô hình không thể định lượng trở thành một yếu tố vừa hữu hình vừa có thể lượng hóa. Công thức này dựa vào nhận thức quan trọng : niềm tin luôn tác động đến hai yếu tố – tốc độ và chi phí.




Khi niềm tin giảm, tốc độ sẽ giảm xuống và chi phí tăng lên








Điều này rất đơn giản, rất thực tế và vô cùng hiển nhiên. Tôi xin chia sẽ với các bạn một số ví dụ sau đây.




Ngay sau khi xảy ra những vụ tấn công khủng bố ngày 11/9/2001, niềm tin của công chúng vào những chuyến bay trên khắp nước Mỹ giảm sút nghiêm trọng. Chúng ta nhận ra những nhóm khủng bố luôn tìm cách làm hại chúng ta trong khi hệ thống đảm bảo an toàn cho hành khách không đủ mạnh để bảo vệ mọi người.




Trước ngày 11 tháng 9, tôi thường đến sân bay khoảng 30 phút trước giờ cất cánh, và tôi có thể nhanh chóng hoàn tất thủ tục kiểm tra an ninh. Nhưng sau ngày 11 tháng 9, nhiều thủ tục va quy trình kiểm soát nghiêm ngặt được áp dụng làm tôi phải mất nhiều thời gian và chi phí hơn. Tôi phải đến sân bay trước 90 phút trước giờ cất cánh đối với những chuyến bay nội địa và đến trước từ 2 đến 3 giờ nếu tôi bay quốc tế. Khi mua vé, tôi còn phải trả thêm các khoản phí an ninh sân bay. Vì thế khi niềm tin giảm sụt giảm thì tốc độ công việc cũng giảm và chi phí sẽ tăng lên.




Chúng ta hãy xem xét một ví dụ khác. Đạo luật Sarbanes-Oxley được Quốc hội Mỹ thông qua nhằm đối phó với các vụ bê bối như từng xảy ra ở các tập đoàn Enron, Tycon, WorldCom… Mặc dù đạo luật này đạt được một số hiệu quả tích cực trong việc cải thiện hay chí ít cũng duy trì được sự tín nhiệm trên thị trường nhưng rõ ràng chúng ta phải trả giá đắt cho việc này. Trên thực tế, một công trình nghiên cứu gần đây cho thấy chi phí cho việc thi hành chỉ riêng một chươ ng của Đạo luật này đã lên tới 35 tỷ đô la – vượt mức dự kiến ban đầu của Ủy ban Chứng khoán Hoa Kỳ 28 lần! Các quy định bị buộc phải tuân thủ do sự thiếu vắng niềm tin chẳng khác nào những bộ phận giả được lắp vào cơ thể – chỉ hoạt động chậm chạp và tốn kém.







Khi niềm tin tăng, tốc độ sẽ tăng và chi phí giảm xuống




Berkshire Hathaway gần đây đã hoàn thành vụ mua lại công ty McLane Distrubution trị giá 23 tỷ đô la từ tập đoàn Wal-Mart. Thông thường việc mua lại và sáp nhập các công ty có quy mô lớn như thế này phải mất nhiều thời gian và tốn kém nhiều triệu đô la thuê các kiểm toán viên và các luật sư để xác minh và hợp thức hóa tất cả các chứng từ liên quan. Nhưng trong trường hợp này, do cả 2 bên đều có uy tín lớn trên thương trường, nên việc giao dịch chỉ diễn ra trong một cuộc họp hai giờ và một cái bắt tay là xong. Trong vòng chưa đầy một tháng sau mọi thủ tục của thương vụ đã hoàn tất.




Bạn hãy tưởng tượng xem chỉ trong thời gian không đến một tháng (thay vì phải mất cả 6 tháng hoặc lâu hơn) và không mất tổn phí cho một cuộc kiểm toán nào (thường phải mất đến hàng triệu đô la), Warren Buffet đã mua xong một công ty trị giá 23 tỷ đô la! Quả thật, khi niềm tin cao thì tốc độ sẽ nhanh và chi phí thấp.




“Jim” có một cửa hàng bán cà phê, bánh ngọt phục vụ khách ra vào các cao ốc văn phòng tại New York. Vào giờ ăn sáng và ăn trưa, cửa hàng của Jim luôn đông khách. Anh để ý thấy do phải chờ đợi lâu nên nhiều khách đã nản lòng bỏ đi tìm chỗ khác. Anh cũng nhận thấy rằng nguyên nhân khiến anh không thể bán được nhiều cà phê và bánh ngọt hơn chính là vì mất nhiều thời gian để thối lại tiền thừa cho khách hàng. Cuối cùng Jim nghĩ ra việc đặt một chiếc rổ nhỏ đựng tiền giấy và tiền xu cạnh quầy để khách hàng tự mình lấy lại tiền thừa. Có thể bạn nghĩ rằng sẽ có khách hàng vô tình tính sai hoặc cố tình lấy thừa tiền trong rổ, nhưng điều Jim phát hiện ra hoàn toàn trái ngược: hầu hết khách hàng đều rất trung thực, họ thậm chí thường để lại cho anh những khoảng tiền boa nhiều hơn mức bình thường. Bây giờ anh có thể phục vụ cho khách hàng nhanh gấp đôi do không phải mất thời gian thối lại tiền thừa. Hơn nữa anh cũng cảm thấy khách hàng thích cảm giác được tin cậy nên thường quay trở lại. Nhờ nâng cao niềm tin theo cách này, Jim đã tăng gấp đôi doanh thu mà không phải mất thêm khoản chi nào.










Nguồn:




[1] www.tuvan999.com (cảm ơn Lương Anh Tuấn)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét