Thứ Sáu, 15 tháng 4, 2011

Cây mít: Chữa bệnh - Các món ngon & Kỹ thuật trồng





Mít là loại cây to, cao khoảng 8-15m, có tên khoa học là artocarpus integrifolia linn, thuộc họ dâu tằm (moraceae). Cây mít được trồng phổ biến khắp nước ta, tại các vùng đồng bằng và tới độ cao 1.000m, rất gần gũi với người dân nông thôn. Mít có nhiều loại như: mít mật, mít dai, mít tố nữ (đặc sản miền Nam). Ngoài giá trị dinh dưỡng, nhiều bộ phận cây mít còn là vị thuốc hay.[1]

Quả mít to, dài chừng 30 – 60cm, đường kính 18 – 30cm, ngoài vỏ có gai. Trừ lớp vỏ gai, phần còn lại của quả mít hầu như ăn được. Múi mít chín ăn rất thơm ngon. Xơ mít có thể dùng muối chua như muối dưa (gọi là nhút). Các quả mít non còn dùng như một loại rau củ để nấu canh, kho cá, trộn gỏi…[1]




Hạt mít luộc, rang, nướng hay thổi với cơm ăn. Hạt mít có giá trị dinh dưỡng như các loại hạt và củ khác, được nhân dân dùng chống đói trong những ngày giáp hạt. Hạt mít có thể phơi khô làm lương thực dự trữ, chứa tới 70% tinh bột, 5,2% protein, 0,62% lipid, 1,4% các chất khoáng. Hạt mít có tác dụng bổ trung ích khí gây trung tiện, thông tiểu tiện.[1]




Múi mít chín vàng óng, ăn ngon ngọt, đặc biệt có hương thơm rất đặc trưng, được coi là thức ăn bổ dưỡng và có tác dụng long đờm. Về giá trị dinh dưỡng, trong thịt múi mít chín có protein 0,6 – 1,5% (tùy loại mít), glucid 11 – 14% (bao gồm nhiều đường đơn như fructose, glucose, cơ thể dễ hấp thụ), caroten, vitamin C, B2… và các chất khoáng như: sắt, canxi, phospho… Theo tài liệu của Tổ chức Lương nông thế giới (FAO), trong múi mít chứa nhiều chất đường, đạm, các loại vitamin A, B1, B2, C và nhiều khoáng chất cần thiết cho cơ thể.[1]

Gỗ mít là một loại gỗ từ cây mít. Gỗ này thường được sử dụng rộng rãi trong việc tạc tượng Phật nói riêng và tượng thờ nói chung. Nguyên nhân là vì loại gỗ này chống mối mọt và không chịu nhiều tác động của nước, lại dễ kiếm và không đắt như các loài gỗ quý khác. [5]

Gỗ mít là một loại gỗ có tính chất cơ lý ổn định,không cong vênh, ít bị mối mọt. Gỗ có màu vàng sáng, để lâu ngả thành màu đỏ sẫm. Gỗ mít có mùi thơm nhẹ, mềm, dẻo. Gỗ mít được dùng rộng rãi trong đời sống như làm tượng Phật, đồ thủ công mỹ nghệ, các sản phẩm nội thất khác. Hiện nay gỗ mít đang ngày càng khan hiếm, chủ yếu được khai thác từ các vùng rừng núi tây bắc, Trung Bộ và nước Lào.[5]




 




Các bộ phận làm thuốc





Hầu như tất cả các bộ phận của cây mít đều được dùng làm thuốc. Lá mít được dùng làm thuốc lợi sữa, chữa ăn uống không tiêu, tiêu chảy và trị cao huyết áp. Ở Ấn Độ, người ta dùng lá mít chữa các bệnh ngoài da và rắn cắn. Gỗ mít mài lấy nước uống có tác dụng an thần, liều dùng 6 – 10g/ngày. Trong khi đó, rễ cây mít sắc uống có thể trị tiêu chảy.[1]









Có tài liệu còn cho rằng trong hạt mít còn chứa một chất ức chế men tiêu hóa đường ruột nên khi ăn nhiều dễ bị đầy bụng.[1]


 





Món ăn bổ dưỡng từ mít





Mít lên men rượu : Múi mít chín 1kg, đường trắng 300g, men rượu (bánh men thuốc Bắc) 2 bánh. Cách làm: Lựa múi mít vừa chín tới, gỡ bỏ hạt, phần múi đem trộn với 150g đường. Men rượu đem tán nhỏ, rây mịn. Cho mít vào bình thủy tinh rộng miệng, cứ một lượt mít rắc một lượt men cho đến hết mít. Số men còn lại rắc trên cùng, đậy kín nắp. Khoảng 4 – 5 ngày sau, mít lên men rượu bốc mùi thơm. Lấy 2 lít nước lọc hòa với 150g đường còn lại đổ vào, đậy kín nắp để lên men tiếp. Khoảng 9 – 10 ngày sau, thấy nước lên men rượu trong bình lắng trong là được. Chắt nước ra, lọc qua phễu có lót bông cho trong, đóng vào chai, nút thật chặt (vì lượng đường trong rượu còn lại vẫn tiếp tục lên men, dễ làm bật nút). Rượu mít lên men có màu vàng nhạt, có gas và dậy mùi thơm của hương mít. Rượu mít khá bổ, uống lâu say vì mít có tính giải rượu, dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.[1]






Mít nấu đường: mít chín 30 múi to, đường trắng 300g, chanh tươi 1 quả. Chọn mít dai vừa chín, múi to thịt dày, loại bỏ hạt, thái miếng vuông. Cho đường vào xoong cùng với 300ml nước, đun sôi, cho mít vào đảo đều. Rút bớt lửa chỉ để sôi lăn tăn, khi mít chín trong, nước đường hơi sánh lại là được. Để mít nguội, đem ướp lạnh. Lúc ăn, lấy mít vào cốc, vắt chanh vào nước đường còn lại, khuấy đều, tưới lên mít, ăn mát lạnh, dùng tráng miệng sau bữa ăn, còn giúp giải rượu bia.[1]




Món mít non xào thịt: quả mít non gọt vỏ gai, thái lát, đem xào với thịt lợn (heo) nạc, nêm thêm gia vị, dùng ăn với cơm. Món này, theo Đông y có tác dụng bổ tỳ, hòa can, tăng và thông sữa, thích hợp cho phụ nữ sau sinh bị ốm yếu, ăn kém, ít sữa.[1]

Món mít kho [3]:

Nguyên liệu:

-Mít non trong hộp (rửa cho sạch và để ráo)

-dầu ăn

Gia vị:

-nước tương ngon

-hắc xì dầu

-bột nấm chay

-đường phèn (nấu tan trước trong nước. Khi nấu nấu kẹo tí nha)

-tiêu bột

-nước lạnh

-bôrô (leak) băm nhuyễn

Cách làm:

Bắt chảo lên cho dầu vào. Khi dầu thật nóng thì cho từng miếng mít vào chiên. Khi chiên thì chiên lửa vừa. Trở sang mặt kia khi thấy mít đã hơi hơi vàng. Trong khi chiên mít thì mình pha nước sauce nha.

Nước sauce gòm có: nước tương, hắc xì dầu, nước lạnh, bột nấm, tiêu bột, nước đường phèn. Khuấy lên cho đều để qua 1 bên.

Bắc cái chảo / nồi lên bếp. Cho dầu ăn vào, thả bôrô khi vàng và thơm thì cho chén nước sauce vào. Đợi khi nước sauce soi lên rồi thì nếm lại coi vừa ăn không. Khi vừa ăn thì thả mít vào. Kho với lửa nhỏ để cho mít từ từ thấm. Nhớ trở mít nữa nha. Khi nước sauce cạng bớt còn lại 1 ít thôi thì tắt lửa trút ra dĩa dùng với cơm nóng..


Gỏi mít non [4]


Vật liệu và gia vị - 200g tôm lớn, nhỏ tùy ý lột vỏ.lấy chỉ đen , hấp hay luộc cho chín tới

- 150 g thịt ba chỉ heo luộc xong, cắt miếng mỏng nhỏ.

- Ướp trộn tôm thịt với 2 tép hành tím băm

- ½ muỗng cà phê muối

- ½ muỗng súp nước mắm

- ½ muỗng cà phê tiêu.

- 1 chén lá rau răm, ngắt bỏ cuống lá.( Nếu lá lớn thì phải cắt nhỏ ra

- 2, 5 đến 3 chén mít đã luộc chín xé miếng.

Khoảng chừng nữà chén mè rang vàng ( hay đậu phộng rang vàng giã dập dập, từng nhỏ quá, mất ngon ,

- Bánh tráng mè nướng dòn. Nếu không có bánh tráng mè, thì các bạn có thể thế vào bánh phồng tôm,

- Trộn mít non đã luộc xong, để cho ráo nước, xong trộn tát cả tơm thịt heo luợc rau răm, nước mắm + chút đường nếu thích an ngọt + tiêu +muối.

Trộn cho đều

Trình bày: Lấy ra để vào trong một cái dĩa ovale , Để vài con tôm trên mặt cho đẹp, rác tí rau răm, hay vài cọng ngò ( rau mùi) và rãi đậu phộng lên

Gỏi mít có thể làm thành món khai vị, hoặc dùng với em, tùy theo ý thích từng người

Có người thì trộn chung với rau húng ( menthe) , vài lát ớt đỏ vào , nếu thích ăn cay

Thịt và tôm, cũng có người thích xào chớ không luộc như người miền Nạm.

Và trộn thêm da bì vào cho thêm giòn.

Dùng với nước mắm pha.

 


Những cách chữa bệnh từ cây mít


Dùng làm thuốc lợi sữa: Sản phụ sau khi sinh nếu ít sữa, dùng lá mít tươi (30 – 40g/ngày) nấu nước uống giúp sữa tiết ra hoặc tăng tiết sữa. Cũng có thể dùng cụm hoa đực (dân gian thường gọi là dái mít), hay quả non sắc uống để tăng tiết sữa.[1]

Chữa tưa lưỡi trẻ em: Phơi lá mít vàng cho thật khô rồi đốt cháy thành than, trộn với mật ong, bôi vào chỗ tưa lưỡi 2 – 3 lần/ngày, tối 1 lần.[1]

Chữa trẻ tiểu cặn trắng: Lấy 20 – 30g lá già của cây mít mật, thái nhỏ, sao vàng, nấu nước uống.[1]

Chữa hen suyễn: Lấy lá mít, lá mía, than tre, cả 3 thứ có lượng bằng nhau sắc uống ngày 1 thang, chia 3 lần.[1]

Chữa mụn nhọt, lở loét: Lấy lá mít tươi giã nát, đắp lên mụn nhọt đang sưng, sẽ làm giảm sưng đau. Hoặc dùng lá mít khô nấu cô đặc thành cao, bôi lên vết lở loét sẽ mau khỏi.[1]

Vị thuốc từ nhựa mít: Vỏ cây mít có nhiều nhựa, cũng thường được dùng làm thuốc chữa nhọt vỡ mủ. Hoặc có thể dùng nhựa mít trộn với giấm, bôi lên chỗ mụn nhọt sưng tấy.[1]

Thuốc an thần, hạ áp (kể cả co quắp): Gỗ mít tươi đem mài lên miếng đá nhám, hoặc chỗ nhám của trôn bát,cho thêm ít nước (nước sẽ vẩn đục do chất gỗ và nhựa mít), ngày uống từ 6 -10g, ngày uống 1 thang, chia 3 lần.[1]

Làm an thần: Dùng khoảng 20g gỗ phơi khô (hay vỏ thân gỗ), chẻ nhỏ, sắc với 200ml nước còn 50ml, uống một lần trong ngày, chia 3 lần. Cần uống vài ngày liền [1]

 

Kỹ thuật trồng mít [2]

I. CHUẨN BỊ:

Ở Việt Nam có thể trồng hầu hết các nơi, kể cả những vùng đất nghèo dinh dưỡng. Chọn đất trồng ở nơi khô ráo thoát nước tốt, không bị ngập úng kéo dài, có đủ nước tưới để cây sinh trưởng.

Vùng Đồng bằng, vùng trũng chỉ trồng mít ở những chân đất có đê bao vững vàng và phải vun mô cao 0,3m-0,8m tùy mức thủy cấp cao thấp.

Miền Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, vùng đồi núi miền Trung đổ ra các tỉnh phía Bắc đều có thể quy hoạch trồng cây Mít nghệ cao sản kết hợp chăn nuôi, thủy sản và công nghệ chế biến.

1. THỜI VỤ TRỒNG:

Đầu mùa mưa tháng 5 đến tháng 7 dương lịch. Nếu chủ động nguồn nước tưới có thể trồng sớm hơn, thậm chí trồng quanh năm.

2. QUY HOẠCH:

- Đo đạc tổng thể, phân lô, xác định hướng trồng, phân tích các chỉ số lý hóa của đất ...

- Xây dựng cơ bản: văn phòng, nhà kho, nhà ở, hệ thống cấp thoát nước, đường đi nội bộ, chuồng trại và hồ ao ... Đây là công việc đòi hỏi phải được tính toán dự liệu trước vì sẽ ảnh hưởng thuận lợi hay khó khăn trong suốt quá trình đầu tư.

- Định vị hốc (hay mô) trồng bằng phương pháp thủ công hoặc máy.

- Tập kết nguyên vật liệu và vật tư, cây giống đủ và thuận lợi cho việc sửa soạn hốc (mô) và trồng sau đó.

3. MẬT ĐỘ TRỒNG:

- Trồng dầy: Cây cách cây 5m, hàng cách hàng 6m. Một ha trồng khoảng 300 cây (vì phải chừa đường đi nội bộ).

- Trồng thưa: Cây cách cây 6m hàng cách hàng 7m. Một ha trồng khoảng 210 cây.

- Đất cằn cỗi nên trồng dầy, đất tốt nên trồng thưa. Hiện nay, người ta có xu hướng trồng dầy để tăng sản lượng và rút ngắn thời gian hoàn vốn, sau đó áp dụng phương pháp tỉa cành hay đốn tỉa bớt.

4. TIÊU CHUẨN CÂY TRỒNG:

Cây giống phải được chuẩn bị trước. Cây phải đảm bảo đúng giống và phải đủ tiêu chuẩn xuất vườn. Tiêu chuẩn cây Mít có đường kính gốc lớn hơn 0,8cm cao hơn 35cm (kể từ vết ghép. Bộ rễ phát triển mạnh. Lá đang giai đoạn già. Vết ghép tiếp hợp tốt.

Trước khi đưa đi trồng 2 tuần lễ phải ngừng bón phân, giảm tưới nước và xịt thuốc sâu rầy và phòng chống nấm bệnh thật kỹ lưỡng.

5. LÀM ĐẤT:

- Đất bằng phẳng phải xẻ mương rãnh sâu ít nhất 30 - 40cm (tùy nước thủy cấp ở từng nơi) để chống úng vào mùa mưa. Làm hốc sâu 40 x 40 x 40cm và đắp mô cao 40 - 70cm.

- Đất có độ dốc khoảng 5%, không cần đắp mô, chỉ cần làm hốc có kích thước 40 x 40 x 40cm.

- Độ dốc cao hơn 7%, làm hốc có kích thước 40 x 40cm và sâu 60cm.

- Mỗi hốc có thể trộn: 0,5kg vôi bột, 0,3kg phân super lân, 10kg phân chuồng hoặc xơ dừa, vỏ đậu, trấu mục...

II. TRỒNG:

* Đất bằng phẳng trồng trên mô cao 40 - 70cm .

* Đất có độ dốc khoảng 5% trồng mặt bầu ngang bằng với mặt đất.

* Đất dốc hơn 7% trồng thấp hơn mặt đất 20-30cm.

Móc lỗ sâu và to hơn bầu cây đôi chút.

* Dùng dao, kéo cắt đáy bầu và cắt bỏ đuôi chuột (rễ cọc) bị xoắn lại.

* Đặt bầu vào lỗ đã móc sẵn và rút nhẹ túi đựng bầu ra bỏ và lấp đất lại.

* Nếu đất khô phải tưới cho cây ngay, dùng rơm, rạ, cỏ rác... đậy xung quanh bầu để giữ ẩm.

* Cây cao, ốm yếu dùng cọc cắm cố định cho cây khỏi ngã đổ.

Quy hoạch hợp lý, trồng đúng kỹ thuật là yếu tố căn bản để việc đầu tư trồng cây Mít nghệ cao sản thành công.

 

III. KỸ THUẬT CHĂM SÓC.

Để cây chóng ra hoa trái, năng suất cao, lâu bền và phẩm chất ngon, đáp ứng được nhu cầu thị trường. Khâu chăm sóc có phần quan trọng đặc biệt vì không chỉ áp dụng kỹ thuật đơn thuần mà còn phải vận dụng kinh nghiệm và sự nhạy bén trong việc dự báo thị trường. Kỹ thuật chăm sóc Mít chia ra làm hai thời kỳ. Thời kỳ xây dựng cơ bản khoảng 3 năm, đó là khoảng thời gian cây được trồng xong đến lúc cho trái ổn định. Thời kỳ khai thác kinh tế từ năm thứ tư trở về sau. Đây là lúc cần nhiều kinh nghiệm để xử lý cho hoa trái và những dự báo về thị trường vì liên quan đến năng suất, chất lượng và tiêu thụ sản phẩm tươi cũng như đã qua chế biến.

1. ĐẬY GỐC GIỮ ẨM:

Khi trồng xong phải dùng các vật liệu sẵn có, rẻ tiền, để đậy phủ xung quanh gốc để che cỏ dại, chống xói mòn vào mùa mưa và giữ ẩm vào mùa khô.

2. TƯỚI TIÊU NƯỚC:

Tháng đầu sau khi trồng nếu khô hạn phải tưới thường xuyên 2-3 ngày/lần. Sau đó, có thể tưới 4-5 ngày/lần. Từ năm thứ hai về sau tưới cho cây vào giai đoạn mới bón phân và những tháng quá khô hạn.

- Mít rất sợ úng nên vào mùa mưa lũ, phải kiểm tra kênh mương cống rãnh và có kế hoạch chống úng.

3. LÀM CỎ:

Định kỳ làm cỏ xung quanh gốc. Cày xới chăm sóc mỗi năm 3 lần. Năm đầu tiên cày cách gốc 0,4m, năm thứ hai cách 0,6m. Ở vùng cao đầu và giữa mùa mưa cày ngang so với triền dốc, để hạn chế nước mưa cuốn trôi đất, cuối mưa nên cày xuôi theo triền dốc để trở đất. Từ năm thứ 3 chỉ làm cỏ xung quanh gốc hay cày chăm sóc theo hàng khi cần thiết. Nên giữ lại cỏ để giúp tạo nên vùng tiểu khí hậu ổn định và che chắn được bề mặt đất.

4. CẮT TỈA TẠO TÁN:

- Giúp cây tăng trưởng cân đối, các cành cấp I (cành ngang) phân bố đều nhau, loại bỏ các cành sâu bệnh, cành già cỗi, mọc không đúng hướng, cành ăn hại. Việc tỉa cành nên tiến hành khi cây cao khoảng 1m trở lên, cây còn nhỏ tỉa cành tạo tán 2-3 lần/năm. Cây lớn mỗi năm một lần khi thu hoạch trái xong.

- Cách tỉa: Cắt bỏ các cành gần sát mặt đất, cành mọc song song theo trục thân chính, giữ lại các cành cấp 1 cách gốc khoảng 40cm trở lên chọn các cành mọc theo các hướng khác nhau, cành trên cách cành dưới khoảng 40-50cm, tạo thành tầng, mỗi tầng không quá 5 cành cấp 1. Tỉa bỏ bớt các cành cấp 2, cấp 3... cho cây vừa đẹp vừa thoáng. Tỉa cành là một trong những biện pháp nhằm tăng năng suất, phòng chống sâu bệnh hiệu quả và mang tính thẩm mỹ.

5. BÓN PHÂN:

a. Phân hữu cơ: Gồm các loại phân chuồng, phân xanh, phân rác, bả dừa hay trấu mục ủ hoai... dùng bón cho cây giúp tơi xốp đất, là môi trường tốt cho vi sinh vật có lợi hoạt động phân hủy vật chất hữu cơ tạo thành chất mùn cung cấp cho cây.

Liều lượng: Ít nhiều tùy thuộc độ tuổi của cây.

Cách bón : Phải đào sâu xung quanh hay một phần tán cây để bón.

Chỉ tiêu / Thời vụ bón        / Lượng phân / Cách gốc     / Rãnh bón (sâu x rộng)

Năm 1   / Cuối mùa mưa    / 8kg               / 30cm           / 20cm x 20cm

Năm 2   / Đầu mùa mưa     / 15kg             / 80cm          / 25cm x 20cm

Năm 3   / Đầu mùa mưa     / 25kg            / Rìa tán cây / 30cm x 25cm

Năm 4   / Thu hoạch xong / 35kg            / Rìa tán cây  / 30cm x 25cm

Năm 5   / Thu hoạch xong / 45kg            / Rìa tán cây   / 30cm x 25cm

b. Phân hóa học:

Trước khi bón phân hóa học nên phân tích mẫu đất để quyết định lượng và loại phân phù hợp, đáp ứng đủ yêu cầu dinh dưỡng của cây... Đất có độ phì nhiêu trung bình có thể bón theo tỷ lệ 2.2.1 trong thời gian xây dựng cơ bản. Tỷ lệ 2.3.3 + Lưu huỳnh (S), ở thời kỳ cho trái. Ở vùng đất phù sa nhiều mùn bả hữu cơ có độ pH thấp phải bón nhiều Lân và Vôi, đất cát xám, đất gò đồi ở miền Đông cần nhiều Kali và Đạm.

- Bón phân NPK 16.16.8 (Tỷ lệ 2.2.1) trong thời kỳ xây dựng cơ bản. Đơn vị tính: Gram

Lần bón: Thứ 1 | Thứ 2  | Thứ 3  | Thứ 4

Năm 1:         40 |  60      |    80    |   100

Năm 2:       120 |  140    |  160    |  180

- Bón phân tỷ lệ 2.3.3 có thể sử dụng 100Kg NPK 20.20 15.13 S + 60 kg Super lân + 30Kg K2SO4 liều lượng. Đơn vị tính: Gram. Lần bón Trước khi ra hoa/ Đậu trái được 30 ngày/ Đậu trái sau 75 ngày/ Thu hoạch xong:

Năm 3: 250 / 150 / 150 / 300

Năm 4: 350 / 200 / 200 / 400

Năm 5: 450 / 250 / 250 / 500

 

* Lưu ý:

+ Bón nhiều Lân và Đạm vào cuối thời kỳ cây nuôi trái.

+ Bón phân hóa học kết hợp với phân chuồng ở những giai đoạn tương ứng.

+ Quan tâm bổ sung cho cây, các loại phân trung lượng, vi lượng, bằng các chế phẩm có bán trên trị trường để giúp cây nhận được đầy đủ chất dinh dưỡng, nên kết hợp với những đợt xịt thuốc sâu rầy để cung cấp phân nuôi cây.

- Bón phân cho cây trước khi ra hoa cần dựa vào kinh nghiệm xử lý ra hoa và các dự báo về thị trường ở thời kỳ thu hoạch.

6. PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH GÂY HẠI:

A. Bệnh hại:

1. BỆNH THỐI NHỦN:

Cây con ở vườn ươm có độ ẩm cao, quá rậm rạp dễ bị bệnh và bệnh lây lan rất nhanh. Bệnh có thể do nấm Rizoctonia solani, Sclerotium, Pythium gây nên.

- Trên thân gốc và bề mặt vật liệu nuôi cây có nhiều hạch nấm tròn to, nhỏ dầy đặc và lây lan nhanh. Bệnh làm teo gốc, thân lá có đoạn tươi xanh và phần non chết gục như bị luộc trong nước nóng.

- Phòng bệnh:

+ Sử dụng phân oai mục.

+ Tạo thông thoáng, khô ráo và thoát nước tốt.

+ Xử lý nguyên vật liệu trong vườn ươm bằng các loại thuốc như Kitazin, Rovral, Ridomyl ...

- Trị bệnh:

+ Viben C 50 BTN, Bonanza 100 DD, Score 250 EC, Tilt 250 ND.

2. BỆNH THỐI GỐC CHẢY NHỰA:

Bệnh xảy ra trên các vườn mít quá ẩm ướt và có nhiều loại sâu hại chích hút nhựa cây, gây những vết thương và là cơ hội tốt cho nấm Phytopthora xâm nhập.

Bệnh thể hiện ở vùng gốc có nhiều vết loét, nước dịch từ bên trong chảy rỉ ra, vỏ vùng gốc bị thối từng mảng to, bề mặt lớp gỗ ẩm ướt và thâm đen. Lá vàng, rụng và cây chết. Thường khi phát hiện được thì bệnh ở tình trạng nặng, khó chữa trị.

Cách phòng hữu hiệu nhất là trồng cây trên đất cao ráo, thoát nước tốt. Bảo vệ các thiên địch để hạn chế mật độ sâu rầy gây hại, khi cần thiết dùng các loại thuốc hóa học có tính chọn lọc để phun xịt như Ridomyl, Aliette.

B. Sâu rầy:

1. SÂU ĐỤC THÂN, ĐỤC CÀNH:

Có tên Margronia, thành trùng đẻ trứng trên lá non, trái non sau đó đục vào thân cành. Xịt thuốc trừ sâu vào giai đoạn ra lá non, trái non như Cyperan 5 EC, 10 EC, Decis 2,5EC, Bian 40-50 EC, Basudin 50 EC.

2. RUỒI ĐỤC TRÁI:

Do loài dacus sp, đẻ trứng vào trái già, gây thối nhũn trái. Dùng chất dẫn dụ sinh học để diệt ruồi đực. Bao bọc trái hay xịt thuốc diệt ruồi như trebon 10 Nd, decis 25 ec...

3. SÂU ĐỤC TRÁI:

Gây hại nặng trên mít làm giảm chất lượng và sản lượng. Thường ở các phần tiếp giáp các trái hay giữa trái tiếp giáp với thân, bị gây hại nặng nhất.Trái có thể bị hư hỏng hay bị rụng sớm.

Không nên dùng biện pháp xử lý thuốc hóa học mà dùng biện pháp sinh học để phòng trừ sự gây hại hay bao trái vào cuối giai đoạn trái rụng sinh lý.

4. NGÀI ĐỤC TRÁI:

Có nhiều loài gây hại khác nhau, chúng chích hút vào ban đêm ở giai đoạn trái chín. Cách phòng trị giống như sâu đục trái.

5. RẦY, RỆP...

Có rất nhiều loài gây hại trên mít, chúng chích hút nhựa lá non, đọt non, trái làm lá quăn queo, cây chậm lớn, trái dị hình và kèm theo là nấm đốm bồ hóng tấn công làm giảm khả năng quang hợp của cây và trái không đẹp. Khi trồng ở nơi cao ráo thường bị rệp sáp tấn công ở phần gốc và rễ. Dùng các loại thuốc hóa học sau đây để trị rầy rệp khi điều tra có mật số cao: Bassan 50 EC, Supracide 40 EC, Basudin 50 ec...

Để bảo vệ tốt cây trồng nên áp dụng các biện pháp quản lý dịch hại tổng hợp IPM+Thiết lập hệ thống canh tác hữu hiệu thường xuyên. Dùng biện pháp sinh học tăng cường thiên dịch, hạn chế dịch hại do sâu bệnh. Sử dụng thuốc hóa học khi cần thiết.

Xây dựng hệ thống dự báo sâu bệnh, thiên dịch, những điều kiện tự nhiên để có thể định hướng phù hợp tình hình sản xuất thực tế.

So với các loại cây ăn trái khác Mít nghệ cao sản là cây dễ trồng, chịu hạn rất tốt, ít công chăm sóc, áp dụng quản lý dịch hại bằng phương pháp IPM tốt có thể không cần sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật, cho có năng suất cao, chất lượng ngon, thích hợp ăn tươi, chế biến và làm thức căn cung cấp cho ngành chăn nuôi, thủy sản, sau cùng là thu được khối lượng gỗ lớn và quý có giá trị kinh tế cao. Công nhân chăm sóc trực tiếp không bị tổn hại do nhiễm độc, người tiêu dùng không phải sợ bị ngộ độc do thuốc Bảo vệ thực vật tồn dư trong các sản phẩm.

Mít là giống cây ăn trái duy nhất có thể đóng vai trò cây rừng đem lại hiệu quả kinh tế cao và lâu dài.










Nguồn:




[1] http://blog.yume.vn/thuhien10265

[2] http://www.dost-bentre.gov.vn

[3] http://www.viettogether.com

[4] http://www.naungon.com

[5] http://vi.wikipedia.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét